Như đã đưa tin, ông Vũ Đức Thuận, nguyên Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng 3 nguyên lãnh đạo khác của PVC (giai đoạn 2009-2013) đã bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 15/9.
Còn tối qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với ông Trịnh Xuân Thanh về tội: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng đã ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với bị can này.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại đơn vị này.
Cho đến chiều ngày 15/9, cổ phiếu PVX của PVC niêm yết trên sàn Hà Nội (HNX) vẫn đang tăng giá 100 đồng (tương ứng 4,55%) tuy nhiên mã này chưa thể thoát ra ngoài vùng giá thảm hại, khó có thể mua nổi một bó rau vào thời buổi bây giờ. Đóng cửa phiên 15/9, PVX có giá 2.300 đồng mỗi cổ phiếu, một mức giá rất bèo bọt trên thị trường hiện nay. Đến sáng 16/9, giá PVX giảm về 2.200 đồng trước thông tin bất lợi nói trên.
PVX lình xình ở vùng giá thấp không thể bứt lên nổi trong suốt giai đoạn 2012-2013 cho đến nay. Thời điểm mới niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2009, PVX từng có giá 27.000 đồng và thường xuyên giao dịch trên mức 20.000 đồng trong suốt giai đoạn này đến 2013. Đỉnh điểm vào khoảng tháng 5/2010, thị giá PVX từng vượt ngưỡng 30.000 đồng.
Thị trường chứng khoán là tấm gương phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp. Trong trường hợp này, PVX là minh chứng rõ nét cho điều đó.
Ông Vũ Đức Thuận đã rời PVC vào đầu 2013, sau đó ông Trịnh Xuân Thanh cũng tìm được bến đỗ mới nhưng không thể chối bỏ trách nhiệm với khoản lỗ nghìn tỷ tại tổng công ty này
Sự tàn phá khủng khiếp
Với những lợi thế sẵn có của ngành dầu khí, một ngành nghề có đặc thù dựa vào nguồn lực tài nguyên quốc gia - lực lượng đóng thuế chủ yếu cho ngân sách Nhà nước, cổ phiếu dầu khí nói riêng và ngành xây lắp dầu khí nói chung từng là hàng "hot" trên thị trường, được săn đón và giao dịch vùng giá cao.
Nhất là với PVX, khi doanh nghiệp này được coi là "con cưng" của PVN, được giao thi công hàng loạt công trình trọng điểm như Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Giàn khoan Dung Quất, Lọc dầu Nghi Sơn…- những dự án đinh mà một doanh nghiệp tư nhân bình thường có nằm mơ cũng không thể nào có được. Giới đầu tư chứng khoán thời đó chẳng có lý do gì để mà nghi ngại khi cầm trên tay cổ phiếu PVX bởi lãnh đạo PVC không cần làm gì hơn, chỉ cần quản lý tổng công ty đảm nhiệm tốt những công việc trong lĩnh vực kinh doanh chính thì PVC cũng đã sinh lời, đẻ lãi.
Thế nhưng, vì lãnh đạo là linh hồn của doanh nghiệp, nên một khi chất lượng lãnh đạo có vấn đề thì sẽ chẳng có một doanh nghiệp nào "vững được như bàn thạch" được trước biến động, sóng gió kinh tế thị trường.
Kể từ khi công bố công khai số liệu tài chính, từ 2007 đến 2010, PVC vẫn ăn nên làm ra, kinh doanh có lãi, nhưng từ 2011 thì có dấu hiệu sa sút, vấn đề sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này dần phát lộ sau thời gian "ủ bệnh" bởi các quyết sách sai lầm ngay từ khâu đề ra chiến lược phát triển trước đó.
Cụ thể, năm 2011, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu PVC điều chỉnh hồi tố lỗ 19,12 tỷ đồng, sau đó tổng công ty được Kiểm toán Nhà nước đồng ý bổ sung bút toán hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính vào PVC-SG và lợi nhuận hợp nhất năm 2011 của PVC được “chốt” ở mức 590 triệu đồng. Đến 2012, PVC lỗ hợp nhất trước thuế 1.824 tỷ đồng, lỗ hợp nhất sau thuế 1.847,3 tỷ đồng (trong đó, công ty mẹ lỗ 1.369 tỷ đồng).
Nửa đầu năm 2013, khi ông Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận rục rịch chuyển công tác thì PVC báo lỗ 625,7 tỷ đồng và sau khi đơn vị kiểm toán Deloitte bắt tay vào soát xét thì số lỗ tăng vọt lên 1.578 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối 2013, PVC lỗ 3.300 tỷ đồng.
Tháng 9/2013, người kế nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh là ông Bùi Ngọc Thắng - Chủ tịch HĐQT tổng công ty tuyên bố doanh nghiệp có bề dày hơn 30 năm này đã rơi vào tình trạng “nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì PVC không có khả năng hoạt động liên tục, dẫn đến nguy cơ phá sản rất cao”.
Ông Bùi Ngọc Thắng từng phân tích, để PVC đứng trước bờ vực phá sản, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu - mà trước hết là sai lầm về chiến lược. Theo đó, thay vì tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, PVC lại chủ yếu dành nguồn lực cho đầu tư tài chính.
Đơn cử như năm 2011, theo một nguồn tin của Dân Trí, PVN ký hợp đồng EPC giao cho PVC xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và đã tạm ứng cho dự án này 1.312 tỷ đồng cùng 6,6 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền thì PVC lại sử dụng 1.080 tỷ đồng cho những mục đích khác như trả nợ ngân hàng, thanh toán lãi vay, hỗ trợ vốn cho các công trình khác, góp vốn cho công ty con... Đến nay, có 3 công ty kinh doanh thua lỗ không thu hồi được vốn, tổng côn ty phải trích lập dự phòng và hạch toán kinh doanh thua lỗ hàng năm.
Trong số 1.080 tỷ đồng nói trên, PVC trích ra 50 tỷ đồng đầu tư và PVC-Land và đưa con số vốn đầu tư tại PVC-Land thời điểm 31/12/2013 lên 203,8 tỷ đồng. Thế nhưng, kết quả hoạt động sản xuất của PVC-Land suốt từ 2011 đến 2015 lại thua lỗ mất hết vốn điều lệ, buộc PVC phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính 202,8 tỷ đồng thời điểm cuối 2013, đến cuối 2015 là 158,8 tỷ đồng.
PVC cũng dành ra 30 tỷ đồng trong 1.080 tỷ đồng để rót vào PVC-Mekong đưa tổng vốn đầu tư tại công ty này lên 153,5 tỷ đồng. Từ 2012 đến 2015, PVC-Mekong cũng thua lỗ mất hết vốn điều lệ, PVC phải trích lập dự phòng đầu tư tài chính 147,3 tỷ đồng (31/12/2013) và 153,4 tỷ đồng (31/12/2015).
Tính đến thời điểm 31/12/2012, tổng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ PVC là 3.370,6 tỷ đồng tại 41 công ty. Thế nhưng, kết quả kinh doanh tại 15 công ty con thì đã có đến 10 công ty báo lỗ và chỉ có 5 công ty kinh doanh có lợi nhuận; 4/8 công ty liên doanh, liên kết lỗ...
PVC phụ trách rất nhiều công trình trọng điểm nhưng vẫn chật vật vì nợ nần và các khoản lỗ trong quá khứ để lại
Không có chuyện “hạ cánh an toàn”
Nhìn vào giai đoạn lịch sử 2009-2013 khi "bộ đôi" Trịnh Xuân Thanh - Vũ Đức Thuận lãnh đạo PVC mới thấy sự "tàn phá khủng khiếp" của dàn lãnh đạo thời kỳ đó đối với một tổng công ty vốn dĩ có rất nhiều lợi thế. Với đường lối, chiến lược kinh doanh sai lầm, PVC đã phải lâm vào cảnh thoi thóp, đứng trước bờ vực phá sản, mà cho đến nay, sau khi tái cơ cấu vẫn rất chật vật, vất vả để hồi phục.
Ông Vũ Đức Thuận trao đổi tại hiện trường PVC Thái Bình
Sáu tháng đầu năm nay, PVC báo lãi gần 180 tỷ đồng và cho biết đã thu hồi khoảng 170 tỷ đồng công nợ. Tuy nhiên, công ty vẫn chưa thể khắc phục được triệt để những hậu quả trong quá khứ để lại, mà người ta gọi là "di sản" của các ông Trịnh Xuân Thanh - Vũ Đức Thuận cùng dàn lãnh đạo PVC thời kỳ trước. Dù đã có lãi nhưng lỗ lũy kế tại PVC đến nay vẫn còn tới 2.901 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng công ty này còn có dư nợ các khoản vay bảo lãnh quá hạn lên tới 238 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng quá hạn khoảng 300 tỷ đồng.
Cũng cần lưu ý rằng, sau năm 2013, khi đã thay xong dàn lãnh đạo, PVC đã dần kinh doanh có lãi trở lại từ 2014, song do hậu quả để lại quá nặng nề, nhất là về mặt công nợ, nên sự phục hồi của doanh nghiệp này rất khó khăn.
Vì năm 2011 PVC vẫn được cho phép ghi nhận lãi khiêm tốn...nửa tỷ đồng, nên với việc ông Vũ Đức Thuận và ông Trịnh Xuân Thanh lần lượt "cao chạy xa bay" trong năm 2013 đảm bảo cho các vị này không phải lãnh án kỷ luật vì làm doanh nghiệp thua lỗ 2 năm liên tiếp. Nhưng đến nay, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thì ông Vũ Đức Thuận và dàn lãnh đạo PVC vẫn không thoát khỏi bị hồi tố trách nhiệm (riêng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị khai trừ Đảng nhưng lại đang"bặt vô âm tín").
Trong lần trao đổi với phóng viên Dân Trí mới đây, một vị đại diện của Bộ Tài chính nói, vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp là tiền thuế của nhân dân. Người quản lý đồng vốn đó phải có trách nhiệm làm sao đầu tư kinh doanh hiệu quả, có lương trả nhân viên, có tiền tái đầu tư và chia cổ tức cho Nhà nước. Nếu thua lỗ, thất thoát thì người lãnh đạo đó phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, Chính phủ, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó.
Vụ hồi tố trách nhiệm gây thua lỗ 3.300 tỷ đồng tại PVC đối với dàn lãnh đạo giai đoạn trước đây có thể coi là hồi chuông cảnh tỉnh để các sếp doanh nghiệp Nhà nước biết “sử dụng có trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân” hơn và ý thức được rằng: Mỗi một quyết định sai lầm đều phải trả giá, không thể có chuyện ung dung "thoát xác", "hạ cánh an toàn" sau khi vô trách nhiệm với vai trò quản lý, gây thua lỗ, thất thoát tài sản Nhà nước mà vẫn đòi "chui sâu, leo cao" trong bộ máy công quyền.
Vụ việc hãy còn chưa khép lại, vụ án tiếp tục được mở rộng điều tra. Dù ông Trịnh Xuân Thanh có trốn thoát nhưng khả năng bị bắt giữ, đưa về nước để điều tra, xử lý với các bị can khác vẫn rất cao. Những người phạm tội rồi sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng nhất để củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.
Bích Diệp
Nhận xét
Đăng nhận xét