(Ảnh minh hoạ).
UBND tỉnh Ninh Thuận và Bộ Công Thương mới đây đã phê duyệt Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận với tổng công suất 16 triệu tấn/năm của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG). Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2017.
Tại tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến diễn ra ngày 6/9 tới đây, Tập đoàn Hoa Sen đã đưa ra 4 lý do triển khai dự án bao gồm: Việc triển khai Tổ hợp dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường thép Việt Nam và khu vực ASEAN.
Theo Tập đoàn này, hiện tại, năng lực sản xuất và tiêu thụ thép của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với thế giới, do đó sẽ có nhiều cơ hội để phát triển. Bên cạnh đó, tổ hợp dự án sẽ góp phần khắc phục tình trạng nhập siêu ngành thép tại Việt Nam. Cuối cùng thông qua tổ hợp dự án, Hoa Sen sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín, đa dạng hoá sản phẩm, tăng trưởng nhanh thị phần trong nước và phát triển thị trường xuất khẩu.
Đánh giá về dự án này, báo cáo từ CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC) cho biết, trước thông tin Tập đoàn Hoa Sen xây dựng nhà máy thép 10 tỷ USD, tập đoàn này cũng từng gây bất ngờ khi trở lại lĩnh vực bất động sản với các dự án tại Bình Định và Yên Bái.
Cụ thể, Hoa Sen sẽ xây dựng toà nhà phức hợp tại Bình Định với vốn đầu tư 250 triệu USD, và thực hiện một dự án du lịch khác tại đây với vốn đầu tư 18,9 triệu USD, Hoa Sen góp 45% vốn trong khi Hoa Sen Tourist và ông Lê Phước Vũ lần lượt đóng góp 45% và 10% vốn còn lại.
“Việc công bố đồng thời hàng loạt các kế hoạch theo những hướng kinh doanh khác nhau gần đây với quy mô vốn lớn, có thể nhiều người sẽ tự hỏi liệu Hoa Sen có thực sự có thể thực hiện toàn bộ các kế hoạch đề ra hay không. Với nguồn vốn chính dự kiến là vốn vay, lưu ý rằng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của công ty là 1,3 lần, công ty không thể tăng vay nợ đáng kể”, báo cáo của HSC phân tích.
HSC cũng cho biết, qua trao đổi với Hoa Sen, tập đoàn cho biết sẽ không phát hành cổ phiếu mới, nguồn vốn tài trợ cho các dự án này sẽ từ phát hành trái phiếu và vay nợ ngân hàng.
Thực tế, trong quá khứ, Hoa Sen đã áp dụng tỷ lệ 70:30 nguồn vốn tự có và vốn vay để đầu tư phát triển các dự án, đối với các siêu dự án yêu cầu lượng vốn vô cùng lớn, Hoa Sen sẽ tăng mạnh vay nợ ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu theo đó tỷ lệ vay nợ của Hoa Sen sẽ tăng lên mức rất cao.
Bình luận về dự án này, TS Ngô Trí Long cho rằng: "Thép là lương thực quan trọng của ngành cơ khí, ngành công nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cũng đang kêu gọi đầu tư, do đó, nếu khai thác được nguồn lực trong nước thì tốt, tư nhân làm được thì rất cần".
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, cần lưu ý một số vấn đề: "Phải xem vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD thì chủ đầu tư có tiềm lực hay không, công nghệ sử dụng cũng phải là công nghệ khô không phải ướt như Formosa để đảm bảo môi trường. Nội lực trong nước xin đầu tư thì nên khuyến khích nhưng phải có sự thẩm tra xác minh cụ thể, có bằng chứng, không chung chung được".
"Người ta bảo Gang thép Thái Nguyên đang đắp chiếu, hiện thị trường cung vượt cầu nhưng cung là nhập chứ không phải nội lực, xu hướng tiến tới công nghiệp hoá thì luyện thép. Những doanh nghiệp nào lạc hậu thì phá sản chứ không phải cứ tồn tại như vậy mãi", ông Long nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội thép, để đánh giá tính khả thi của dự án thì phải dựa trên báo cáo khả thi tỉ mỉ chứ không phải chỉ qua vài ý tưởng ban đầu. Cho rằng việc xây dựng thêm nhà máy thép là cần thiết trong bối cảnh nhập khẩu lớn lượng thép từ bên ngoài, nhưng ông Sưa cũng nhấn mạnh sự quan trọng của yếu tố môi trường.
"Tất cả các nhà máy thép nói riêng và hoạt động của các doanh nghiệp nói chung phải tuần thủ quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có quy chuẩn về chất thải rắn, khí, lỏng… Những công nghệ tốt nhất không phải là nguồn gốc từ Trung Quốc bởi Trung Quốc là nước đi sau và học theo các nước như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Do đó, để đảm bảo môi trường thì Tôn Hoa Sen nên nhập khẩu công nghệ từ những nước khác thay vì Trung Quốc", ông Sưa nhấn mạnh.
Phương Dung
Nhận xét
Đăng nhận xét