Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các DN biết đến các Hiệp định chủ yếu qua phương tiện truyền thông, trong đó nhiều DN không hay biết về các hiệp định song và đa phương, trong đó có TPP - Hiệp định thế kỷ 21, nơi Việt Nam tham gia sân chơi mở với 11 nước, đối tác có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới
Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Số lượng khảo sát gồm 3.500 DN công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn ngẫu nhiên, trong đó có 200 DN thuộc nhà nước, 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 2.200 DN ngoài nhà nước để tiến hành điều tra.
Trong số các DN được hỏi, có tới 94,5% DN cho biết, họ biết đến một hoặc nhiều hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia. Chỉ có 5,5% DN không biết đến bất kỳ hiệp định nào. Kênh thông tin nhận biết của các DN, trong các DN biết đến hiệp định thương mại, có tới 86,9% DN biết qua kênh truyền thông; 16,3% DN biết qua hiệp hội; 15% DN biết qua cơ quan quản lý nhà nước; 10,8% DN biết qua đối tác kinh doanh.
Đối với khu vực DN nhà nước: có 90,4% số DN biết các hiệp định thương mại qua truyền thông; 26,3% DN biết qua các cơ quan quản lý nhà nước và có 19,7% DN nhà nước biết đến qua hiệp hội. Tỷ lệ tương ứng đối với khu vực DN ngoài nhà nước là 86,7%; 15,4% và 14,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 86,4%; 11,8% và 20,2%.
Phân theo loại hiệp định, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ các DN được hỏi biết đến Cộng đồng kinh tế ASEAN đạt cao nhất với 83,8% (16,2% không biết); tiếp đến là Hiệp định TPP 82,2% (16,8% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản 66,8% (33.2% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu 64,1% (35,9% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc 62,7% (37,3% không biết).
Đánh giá chung, trong hơn 3.500 DN tham gia khảo sát, có 83.9% DN ủng hộ (trong đó 53,3% DN rất ủng hộ; có 30,6% DN ủng hộ nhưng vẫn lo lắng), có 2,9% DN cho rằng ký cũng được mà không ký cũng được, có 12,6% DN không có ý kiến, chỉ có 0,6% DN hoàn toàn phản đối.
Khu vực DN nhà nước có tỷ lệ ủng hộ hội nhập quốc tế cao nhất với 92% (trong đó 52,2% DN rất ủng hộ, 39,7% ủng hộ nhưng vẫn lo lắng); tiếp đến là khu vực DN ngoài Nhà nước có 83,5% (50% rất ủng hộ, 33,6% ủng hộ nhưng vẫn lo lắng) và khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài có 83% (61% rất ủng hộ, 22% ủng hộ nhưng vẫn lo lắng).
Tuy nhiên, về mức độ hội nhập, các DN tại Việt Nam khá tự ti về năng lực cạnh tranh của mình. Theo kết quả khảo sát, chỉ có gần 32% DN tự tin cho rằng DN hiện đang mạnh và rất mạnh về chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Về khả năng quản lý của DN, cũng chỉ có 26,4% DN đánh giá mạnh và rất mạnh. Về giá thành sản phẩm/dịch vụ và nguồn cung ổn định, chỉ có khoảng 25% DN cho rằng DN tương đối mạnh và rất mạnh. Về vốn đầu tư, tình hình có vẻ kém khả quan nhất vì chỉ có 17,5% DN cho rằng tương đối mạnh và rất mạnh về vốn.
Theo kiến nghị của các DN tham gia khảo sát, các Hiệp định FTA thế hệ mới dù mang lại cơ hội song cũng đặt ra những thách thức và khó khăn rất lớn. Hạn chế trong năng lực cạnh tranh quốc gia có thể là nhân tố cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại; sức ép cạnh tranh đối với các DN Việt Nam sẽ tăng lên và nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường nội địa; Việt Nam sẽ bị giảm nguồn thu ngân sách từ thuế nhập khẩu.
Nguyễn Tuyền
Nhận xét
Đăng nhận xét