Theo nguồn tin của Dân Trí, một trong những vấn đề được Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu tại Kết luận thanh tra đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đó là việc tập đoàn này chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu tiêu thụ trước các thời điểm điều chỉnh giá.
Cụ thể, sản lượng xăng dầu xuất bán trước thời điểm tăng giá tại một số công ty xăng dầu thành viên tăng bất thường từ 2,3 đến 6,7 lần so với sản lượng bán bình quân.
“Đây là dấu hiệu sơ hở trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhưng tập đoàn chưa có biện pháp quản lý, khắc phục” – Thanh tra Chính phủ nhận định.
Tuy vậy, theo Petrolimex, do Thanh tra Chính phủ lấy 2 thời điểm tăng giá vào ngày 24/2/2011 và 29/3/2011 để so sánh trong khi thời gian này, hoạt động kinh doanh xăng dầu bị lỗ, một số cửa hàng xăng dầu xã hội đóng cửa không bán hàng hoặc bán cầm chừng để hạn chế lỗ.
Vì vậy, nhu cầu mua xăng dầu để tiêu dùng dồn về các DN đầu mối có trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, trong đó có vai trò chủ đạo của Petrolimex.
Tuy nhiên, lãnh đạo Petrolimex cũng thừa nhận thực tế rằng, các đại lý và tổng đại lý của Petrolimex thường mua theo nguyên xe, không phải ngày nào cũng có nhu cầu nhận hàng. Đặc biệt, khi có thông tin tăng giá đã có không ít đại lý, tổng đại lý chủ động hạn chế sản lượng bán ra để đợi đến gần ngày có sự điều chỉnh giá mới tranh thủ nhập hàng.
“Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho Petrolimex trong việc đảm bảo nguồn hàng vì gia tăng lượng xuất bán trong những thời điểm này, nhưng khó có cơ sở từ chối khách hàng khi các điều khoản trong hợp đồng vẫn được đảm bảo”, lãnh đạo Petrolimex cho hay.
Ngoài ra, tại kết luận thanh tra, TTCP cũng cho rằng, có tình trạng các công ty xăng dầu đang thực hiện bán hàng cho các tổng đại lý, đại lý theo hình thức bao tiêu, chi phí thù lao đại lý trừ trong giá bán, chưa được theo dõi, hạch toán trên sổ sách kế toán.
Trong quản lý hao hụt xăng dầu, Petrolimex quy định hạch toán hao hụt xăng dầu qua kho tính theo định mức vào giá tại công ty mẹ, không hạch toán hao hụt theo thực tế.
TTCP nhận định, đây là nguyên nhân dẫn đến tăng giá vốn, giảm hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ 311 tỷ đồng, tạo thu nhập cho các công ty xăng dầu thành viên bất hợp lý.
Cũng theo TTCP, công tác quản lý điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của công ty mẹ đối với các công ty xăng dầu thành viên của Petrolimex chưa tuân thủ nguyên tắc, không phù hợp với giá bán do liên bộ Tài chính – Công Thương điều hành.
Tuy nhiên, về vấn đề này, lãnh đạo Petrolimex cho rằng, việc quyết định giá bán nội bộ và việc điều hành giá bán lẻ là nghiệp vụ kinh tế hoàn toàn độc lập và dựa trên các căn cứ điều hành khác nhau.
Tại kết luận thanh tra, TTCP cho rằng, Petrolimex đã thực hiện không đúng thẩm quyền trong việc tự quyết định và tổ chức thực hiện giá bán lẻ xăng dầu địa bàn vùng 2 (địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí cao hơn định mức chi phí cấu thành trong giá cơ sở) cao hơn tối đa 2% giá bán lẻ do liên bộ điều hành, nhưng tổ giám sát liên ngành tài chính - công thương không kịp thời chấn chỉnh... Điều này đã giúp tăng doanh thu vùng 2 của Petrolimex lên xấp xỉ 2.797 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phản ứng trước kết luận này của TTCP, Petrolimex cho rằng, việc quyết định giá bán vùng 2 hoàn toàn phụ thuộc vào chi phí vận tải từ đầu nguồn về đến địa bàn kinh doanh vùng sâu, vùng xa cũng như điều kiện thị trường. Không phải toàn bộ sản lượng tiêu thụ của Petrolimex đều bán tăng thêm 2 như tính toán của TTCP.
Lãnh đạo Petrolimex thậm chí cho rằng, "số liệu thanh tra cần đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, không giả định, để đảm bảo thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ cũng như nhân dân không bị hiểu lầm".
Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh những sai phạm tại Petrolimex được nêu tại kết luận thanh tra của TTCP và giải trình của Petrolimex về những kết luận này trong các bài viết tới.
Bích Diệp
Nhận xét
Đăng nhận xét