Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất bãi bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ Công Thương vì cho rằng Thông tư trên hạn chế thị trường, tạo rào cản kinh doanh và thậm chí trái với Luật Đầu tư 2014 và tinh thần tự do kinh doanh.
Nhập khẩu ô tô đang bị ràng buộc bởi Thông tư 20 (ảnh minh họa)
Các DN cho rằng, quy định trong Thông tư 20 không khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, vi phạm Luật Cạnh tranh 2004.
Đặc biệt, các DN cho biết, các điều kiện kinh doanh tại Thông tư 20 gây khó khăn trong việc tham gia thị trường nhập khẩu và phân phối xe ô tô tại Việt Nam, trái với Nghị quyết 35 của Chính phủ.
"Mục đích của Thông tư 20 nhằm hạn chế nhập siêu nhưng việc để cho các DN thuộc Hiệp hội VAMA, VIVA được nhập khẩu không giới hạn, tùy theo nhu cầu thị trường mà không có rào cản thì vô tình trao cho họ quyền điều hành thị trường ô tô, tạo thế độc quyền, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường ô tô trong nước, tăng giá xe trong nước”, văn bản nêu.
Các DN nêu rõ, việc quy định đại lý, showroom bán xe phải có giấy ủy quyền lại là cái cớ cho các hãng xe ép các DN Việt Nam. Văn bản khẳng định: "Đã có những DN chúng tôi làm ủy quyền cho một số hãng, nhưng họ ép chúng tôi về doanh số, về giá, về chất lượng sản phẩm. Họ cho gì, chúng tôi được nhập đấy, không có sự lựa chọn. Nếu DN làm tốt, họ đòi góp vốn, nếu không thì chuyển ủy quyền cho DN khác. Chính vì vậy, DN Việt luôn bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng xe ô tô nước ngoài, họ mặc nhiên có quyền sinh, quyền sát đối với DN Việt".
Trước quan điểm của các bên muốn bảo lưu Thông tư 20, đưa nội dung của Thông tư này lên Nghị định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong ngành công thương để Chính phủ xem xét thông qua, nhóm DN này cho rằng: "Pháp luật Nhà nước đều có quy định rõ chất lượng xe nhập, kể cả phụ tùng lắp ráp phải tuân thủ theo chất lượng của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 cùng nhiều các quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành. Còn đối với xe trước khi được lưu thông sẽ phải làm thủ tục qua các Trạm Đăng kiểm, khi đủ yếu tố an toàn, mới được cấp tem kiểm định lưu thông, sau cứ 6 tháng đến 2 năm tùy theo năm sản xuất, các xe phải đến trạm đăng kiểm kiểm tra lại hệ thống... nếu đủ an toàn mới được cấp phép lưu thông. Như vậy, Thông tư 20 yêu cầu phải có cơ sở bảo hành theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT là thừa, gây lãng phí".
"Các điều kiện kinh doanh của Thông tư 20 đã tạo nên ưu đãi kép cho các DN lắp ráp xe ô tô trong khi họ không nỗ lực thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí”, các DN nhỏ nêu rõ.
Đặc biệt, các DN cho biết với quy định giấy ủy quyền chính hãng để được nhập khẩu xe, do đó, các DN sản xuất ô tô Trung Quốc sẵn sàng cấp giấy ủy quyền cho DN đơn giản, miễn sao bán được hàng mà không cần ràng buộc khắt khe. Việc các DN nhỏ và vừa không được nhập xe chất lượng từ các nước phát triển sẽ sẵn sàng làm đại lý bán xe Trung Quốc, do đó việc duy trì Thông tư 20 chỉ làm cho Việt Nam thành bãi ô tô con của Trung Quốc.
Các DN cũng viện dẫn các con số cho thấy, mở rộng quyền nhập khẩu xe ô tô cho các DN khác không ảnh hưởng nhiều đến nhập siêu.
"Năm 2010, trước khi Thông tư 20 được ban hành, tỷ lệ nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chiếm 1,15% tổng kim ngạch nhập khẩu. Năm 2015, 5 năm sau khi thực hiện, kim ngạch nhập khẩu xe ô tô chỉ chiếm 1,81% trong tổng giá trị nhập khẩu. Ở chiều ngược lại, Thông tư 20 không làm giảm nhập khẩu, bởi trước đó năm 2010, hơn 35.000 chiếc xe được nhập khẩu về Việt Nam, trị giá 1 tỷ USD, nhưng năm 2015, đã có 125.000 chiếc được nhập về, giá trị gần 3 tỷ USD".
Theo kiến nghị của các DN, trong hơn 5 năm qua, hơn 200 DN từng nhập khẩu xe bán trong nước đã phải chuyển ngành nghề kinh doanh, gặp muôn vàn khó khăn. Theo kiến nghị của các DN: "Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào các showroom, thuê nhân viên, đầu tư gara sửa chữa để bảo hành cho khách, khi Thông tư 20 ra đời, các DN cố gắng cầm cự nhưng không được, do phải trả chi phí lớn, hầu hết phải đóng cửa. Chúng tôi vui mừng khi biết Chính phủ mới đã ra Nghị quyết 35/NQ-CP nhằm hướng đến các DN vừa và nhỏ như chúng tôi, chúng tôi hy vọng rằng sẽ không còn phải gặp các rào cản như Thông tư 20 nữa”, kiến nghị của nhóm DN nêu ra.
Nguyễn Tuyền
Nhận xét
Đăng nhận xét