Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Sáng 29/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Tại hội nghị lần này, Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ ngành đã đưa ra nhiều cam kết nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
Kỳ vọng mang lại làn gió mới
Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, những điều mà Thủ tướng cam kết tại hội nghị lần này có nhiều tiến bộ, đột phá vượt bậc bởi đây là lần đầu tiên một hội nghị như vậy diễn ra. Đặc biệt, ngay sau khi họp, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cùng các Bộ trưởng đã họp ngay và có cam kết cụ thể.
"Tổng thể giải pháp đã là hiện tượng mới và là đột phá. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể tới như cam kết không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, cam kết từ 1/7 chỉ luật với nghị định có hiệu lực còn thông tư bãi bỏ hết… Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng có quyết định mạnh mẽ như vậy”, ông nhận xét.
Đồng quan điểm, TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cũng cho rằng, đột phá lớn nhất có thể thấy là việc lần đầu tiên Thủ tướng vừa lên nhậm chức đã tổ chức một hội nghị lớn để lắng nghe tâm tư doanh nghiệp. "Đây có thể xem là động lực phát triển mạnh nhất, quyết định nhất trong thời kì hội nhập như hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh doanh nghiệp còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc", chuyên gia kinh tế này bình luận.
"Riêng việc một hội nghị có Thủ tướng đứng đầu, cùng 4 Phó Thủ tướng tập trung lắng nghe doanh nghiệp phát biểu, chỉ đạo trực tiếp của các Bộ ngành đã là đột phá lớn, tạo niềm tin ban đầu, hứng khởi ban đầu cho cộng đồng doanh nghiệp. Nội dung đưa ra cũng tương đối cụ thể, sát với khó khăn hiện nay của doanh nghiệp”, ông Kiêm nói.
Ông Kiêm cho rằng: “Đáng chú ý nhất là cam kết sẽ không hình sự hoá hoạt động kinh tế, kỳ vọng sẽ tạo nhiều động lực cho doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp rất sợ sự làm ăn tắc trách của cơ quan công quyền, luôn lo sợ phải đề phòng tứ phía. Câu nói này trong bối cảnh hiện nay khiến cho cộng đồng doanh nghiệp được tiếp thêm hi vọng. Thủ tướng cam kết như vậy, chắc chắn sẽ có chỉ đạo thực hiện như vậy”.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Nhận định chung là khá thất vọng vì ý kiến doanh nghiệp đưa ra chung chung, vụn vặt chứ chưa nói được ra hết những bế tắc thực sự để giải quyết. Trong khi Thủ tướng gợi ý như thế, mạnh dạn và đổi mới như thế thì ý kiến của doanh nghiệp vẫn chạy loanh quanh quá".
Theo ông Đức, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay đối với cộng đồng doanh nghiệp có thể kể tới như các thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng, những tiêu cực của cơ quan thuế, hay thậm chí là các quy định không thoả đáng trong các luật do Chính phủ ban hành.
“Cam kết Thủ tướng đưa ra cho thấy sự đột phá, mạnh dạn, nhiều ý tưởng mới khi khẳng định "đổi mới phải chấp nhận vứt đi cái cũ” “không hình sự hoá quan hệ kinh tế”… Với những chỉ đạo mới này hi vọng sẽ là có làn gió mới cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Đức nói.
Đòi hỏi phải có sự thay đổi về tư duy
Về triển khai các cam kết, ông Trương Thanh Đức cho rằng: “Quan trọng nhất vẫn là phải cải cách thể chế, luật lệ và thậm chí nếu cần phải tính sửa hiến pháp. Chúng ta phải thay đổi một cách cơ bản, táo bạo, cần sửa ngay một số luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bảo hiểm… Trong việc xây dựng các quy định, chính sách, phải tính tới việc không những chỉ lấy ý kiến doanh nghiệp mà còn phải thành lập một hội đồng tham gia góp ý"
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các cam kết đưa ra chắc chắn sẽ có khó khăn lớn khi đi vào hoạt động, do đó, đòi hỏi phải có sự thay đổi về tư duy, công khai minh bạch trong quản lý, điều hành của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.
“Thủ tướng nắm vững và nói thẳng tình hình là điểm đột phá, hi vọng sẽ mang lại thay đổi lớn. Tôi cũng đánh giá cao những cam kết đưa ra. Tuy nhiên, sẽ có thay đổi diễn ra nhanh chóng như vận dụng công nghệ thông tin, nhưng có những cái cần thời gian”, ông Doanh nói.
Trong khi đó, ông Cao Sĩ Kiêm cũng cho rằng, giống như rất nhiều những cuộc đối thoại hay hội nghị được khởi xướng trước đó, sau tất cả cần có sự phân loại rõ các khó khăn, vướng mắc và rút được các nút quan trọng để triển khai.
"Tôi cho rằng, hội nghị đã khơi lên, nghe được tâm tư của doanh nghiệp thì tốt rồi. Sau đó, Chính phủ phải trực tiếp đưa ra các chính sách điều hành, và các địa phương phải có giải pháp triển khai cụ thể thì mới có kết quả tốt”, ông nói thêm.
Trao đổi về nút thắt quan trọng nhất đối với doanh nghiệp, vị chuyên gia có nhiều năm công tác trong ngành ngân hàng cho rằng, đó là vốn dành cho doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp đang thiếu nguồn vốn dài hạn, 90% nhìn vào ngân hàng mà ngân hàng đang khó khăn và nếu không có vốn dài hạn sẽ làm đổ sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, nợ công tăng nhanh, thiếu nhận thức về hội nhập hay năng suất lao động còn thấp cũng là những vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.
Phương Dung
Nhận xét
Đăng nhận xét