Đây là những bức xúc được các DN gửi tới Thủ tướng Chính phủ trước ngày diễn ra cuộc đối thoại 29/4/2016.
Thanh tra, kiểm tra quá nhiều
Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới (Bến Tre) cho biết, việc kiểm tra chuyên ngành 1 lô hàng trung bình mất từ 7-10 ngày làm việc. Cùng chung một hợp đồng, một nhà cung cấp dù đã kiểm tra lô trước đạt yêu cầu, lô sau vẫn phải lập lại trình tự như trước. Thái độ làm việc của cơ quan kiểm tra chuyên ngành vẫn mang tính xin- cho.
Trong khi đó, Hiệp hội các DN Nhật Bản tại Việt Nam đặt câu hỏi: Chúng tôi cần được thông tin một cách rõ ràng về phạm vi công việc, trách nhiệm và thẩm quyền của Cục Thuế Hải Phòng, Chi cục Hải quan Hải Phòng và Chi cục Hải quan cấp cơ sở (ví dụ Hải quan KCN Nomura).
Thanh tra, kiểm tra quá nhiều ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.
“Đôi khi các phòng ban khác nhau, đến làm việc với một DN, cùng một nội dung. Chúng tôi chắc chắn điều này đi ngược với luật pháp của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của DN”, đại diện khối DN này phản ánh
Hiệp hội DN Dược phàn nàn, các DN dược bị quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc trong một năm, gây phiền hà khó khăn, lãng phí thời gian, kinh phí cho cả DN và ngân sách nhà nước.
Hiệp hội DN Hải Dương cũng cho biết, các DN hội viên luôn ngán ngẩm về việc có quá nhiều đoàn đến thanh, kiểm tra. Có DN một năm phải tiếp đón từ 12 đến 15 đoàn, còn thông thường cũng có đến 8 đoàn.
Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình cho rằng, Bộ TN&MT triển khai quá nhiều các đợt thanh tra, có DN vừa mới thanh tra cuối năm 2014, năm 2015 mới có kết luận, thì năm 2016 lại có quyết định thanh tra tiếp. Một số thành viên trong đoàn thanh tra có những biểu hiện thiếu tôn trọng DN.
Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc phản ánh, mỗi năm DN tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra, thậm chí có tháng 1 DN tiếp tới 4-5 đoàn thanh tra. Việc thanh, kiểm tra quá nhiều, cùng một nội dung gây khó khăn cho DN. Khách hàng không ủng hộ, cổ đông rút vốn, thương hiệu, uy tín của DN bị giảm sút.
Hiệp hội DN tỉnh An Giang cho biết, các cơ sở chế biến thực phẩm trong tỉnh phản ánh công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng giữa ngành Nông nghiệp và Y tế, nên dẫn đến tình trạng một cơ sở bị thanh, kiểm tra nhiều lần trong năm do nhiều ngành thực hiện với nội dung tương tự.
Thủ tục phiền hà tạo cớ để sách nhiễu
Tập hợp ý kiến cho thấy, các DN than vãn nhiều về thủ tục hành chính phiền hà, gây khó khăn, bị sách nhiễu và phát sinh tiêu cực.
Công ty CP SXTM Lạng Sơn cho biết, ở Lạng Sơn hiện nay việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh đều vượt quá thời gian theo quy định của luật.
Thủ tục phiền hà là cơ hội để sách nhiễu DN.
Khi ban hành các văn bản dưới luật, có tình trạng “Thông tư, văn bản hướng dẫn cao hơn Luật” sinh ra tiêu cực chưa kể tình trạng cán bộ thụ lý yếu kém, cố tình sách nhiễu để DN phải “bôi trơn”. DN sản xuất kinh doanh nào cũng phải có các chi phí không chính thức, mới giải quyết được công việc.
Hiệp hội DN Thanh Hóa cũng có ý kiến, tình trạng có Luật nhưng việc thực thi pháp luật lại chủ yếu dựa vào Nghị định, Thông tư hướng dẫn... Có tình trạng cơ quan quản lý ban hành văn bản hướng dẫn luật sai với tinh thần của luật, tạo kẽ hở, dùng từ ngữ "nửa nạc nửa mỡ" để bắt bẻ DN... dẫn đến hiện tượng DN buộc phải “lobby” chính sách.
Giá thuê đất tăng liên tục
Hầu hết các địa phương đều bị kêu ca vì liên tục nâng giá thuê đất dẫn tới DN khó có thể lập kế hoạch sản xuất kinh doanh ổn định cho 5 hoặc 10 năm.
Hội doanh nhân Hồng Lam (Hà Nội) lấy ví dụ, giá thuê đất của 1 DN trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) năm 1995 là 25.000đ/m2/năm, đến năm 2012 tăng lên 1.439.823đ/m2/năm. Như vậy, đã tăng 58 lần trong 17 năm.
Chi nhánh VCCI tại Vũng Tàu cũng phản ánh ý kiến của DN cho rằng, trong quy định của Bộ Tài chính mới đây lại nâng giá thuê đất với DN lên 9,3 lần. Nếu đã là hỗ trợ DN thì giá thuê phải phải được ổn định liên tục trong 5 năm, có thay đổi cũng phải theo lộ trình, chứ không thể muốn nâng giá thì nâng, khiến DN đã khó khăn lại càng thêm khó khăn.
Hiệp hội DN Hà Tĩnh cho biết, các DN phản ánh, giá thuê đất tăng 5 lần trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, DN thuê 11.077 m2 tại cụm CN Nam Hồng (Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh), giá thuê năm 2010 là 23,1 triệu đồng/năm, năm 2014 lên 44,510 triệu đồng/năm và năm 2015 lên 119,317 triệu đồng/năm.
Tại Hải Phòng, Công ty CP SX và DV Duyên Hải cho biết, thuê 11.400 m2 đất, năm 2015 giá thuê tăng đột biến gấp 3,5 lần so với năm 2014. Cụ thể từ 347.145.000 đồng lên 1.187.065.000 đồng.
Theo Trần Thủy
VietnamNet
Nhận xét
Đăng nhận xét