Góp kiến nghị trước thềm "Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp" sẽ diễn ra vào ngày mai (29/4), Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, hiệp hội có nhận được nhiều phản ánh của người dân cũng như các doanh nghiệp hội viên về tình trạng biến tướng trong lĩnh vực bán hàng đa cấp.
Hiệp hội cho biết, những phản ánh này tập trung vào hai đối tượng chính. Một là các doanh nghiệp không được cấp phép tổ chức bán hàng đa cấp nhưng sử dụng mô hình, cách thức của phương thức đa cấp gây thiệt hại lớn vì huy động sự tham gia của nhiều người.
Hai là đối tượng những doanh nghiệp đã được cấp phép tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp nhưng không tuân thủ nội dung đã đăng ký, không tuân thủ quy định pháp luật về bán hàng đa cấp, không hoạt động đúng bản chất “bán hàng” mà kêu gọi đầu tư huy động vốn trái phép gây thiệt hại nặng nề cho đông đảo quần chúng nhân dân khắp cả nước.
Nhiều người dân mất tiền trước những lời dụ dỗ góp vốn của đa cấp biến tướng (ảnh minh họa)
Với vai trò là cơ quan đại diện cho ngành bán hàng đa cấp về mặt xã hội nghề nghiệp, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam đánh giá: "Tình hình chuyển biến của đa cấp biến tướng ngày càng phức tạp và tinh vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài".
Do đó, Hiệp hội này đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Công thương, Bộ Công an và các bộ ngành khác có liên quan nhanh chóng xác minh, thanh kiểm tra, điều tra để kịp thời chặn đứng, chấn chỉnh, xử phạt và xóa bỏ các doanh nghiệp đa cấp bất chính. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng và thuận lợi cho các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính đang được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
"Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cũng sẽ sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ về chuyên môn, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp đa cấp biến tướng" - tổ chức này khẳng định.
Đồng thời cho biết, đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục về bản chất mô hình bán hàng đa cấp tiên tiến và các hình thức bị cấm, biến tướng để người dân và người tham gia bán hàng đa cấp nắm rõ, chủ động đề phòng và tuân thủ thực hiện đúng pháp luật.
Trước đó, có không ít những phi vụ đa cấp lừa đảo đã gây rúng động xã hội. Có thể kể đến "tập đoàn lừa đảo" Diamond Holiday bị khởi tố năm 2012 sau khi lừa đảo gần 90.000 người, gây thiệt hại 32,3 triệu USD; Công ty MB24 bị khởi tố năm 2012 với việc 107 người mua bán trên 121.349 gian hàng ảo, gây thiệt hại 631 tỷ đồng; Công ty đầu tư Tâm Mặt Trời khởi tố năm 2013 với 40.000 người bị hại, thiệt hại 122 tỷ đồng. Mới đây là vụ Liên Kết Việt với gần 60.000 người bị hại, thiệt hại 1.900 tỷ đồng.
Trước thực trạng bán hàng đa cấp biến tướng, lừa đảo người tiêu dùng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, nhiều địa phương đã vào cuộc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động này.
Thành phố Hà Nội mới đây cũng tuyên bố sẽ kiểm tra, giám sát việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp, nhằm ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; phát hiện các đối tượng lôi kéo người dân tham gia khi chưa đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền…
Hà Nội hiện có 47 doanh nghiệp bán hàng đa cấp được cấp phép hoạt động; chủ yếu kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng. Năm 2015, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xử phạt hành chính các doanh nghiệp bán hàng đa cấp 1,1 tỷ đồng và tiếp tục xử phạt hàng trăm triệu đồng với nhiều doanh nghiệp vi phạm trong quý I/2016.
Bích Diệp
Nhận xét
Đăng nhận xét