Trước những mối quan tâm của dư luận về vấn đề xử lý chất thải tại các nhà máy luyện kim nói chung và tại Khu liên hiệp thép – cảng Sơn Dương của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Fomosa Hà Tĩnh nói riêng, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hội khoa học Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam:
Với quy mô của mình, Formosa có thể phải chi đến 2-3 tỷ USD cho khâu xử lý chất thải
Thưa ông, ông có thể cho biết việc xử lý rác thải tại các nhà máy thép hiện đang được thực hiện như thế nào?
Trên thực tế, các nhà máy thép là những nhà máy sản sinh ra nhiều chất độc hại, trong đó có cả thể rắn, thể khí và nước. Theo số liệu thống kê của chúng tôi, để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 m3 nước thải độc hại. Lượng khí thải ra từ việc sản xuất một tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại....
Nhìn chung sản xuất thép là ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường, cho nên nhà máy nào cũng phải áp dụng rất nhiều biện pháp để xử lý các chất thải đó để bảo vệ môi trường xung quanh nhà máy.
Chi phí để xử lý chất thải chiếm tỷ trọng rất cao trong tổng đầu tư, nên tùy mức độ áp dụng khác nhau ở từng quốc gia mà có mức chi phí tương ứng. Ở mức chung, chi phí này phải chiếm đến 20-30% tổng vốn đầu tư của một nhà máy.
Để xử lý khí thải nhà máy thì phải xây dựng những công trình lọc bụi thô, lọc bụi ướt, bụi tĩnh điện. Rồi xử lý nước thải cũng phải xử lý bằng rất nhiều biện pháp vật lý như bể lắng, xử lý bằng các chất thu hồi hóa chất, thu hồi các các chất độc hại. Xử lý các kim loại nặng, các hợp chất hóa học hòa tan trong nước...
Xỉ thải ra trong quá trình hoạt động lò cao, cán thép, nấu thép cũng không cho phép được thải bừa bãi ra môi trường mà phải thu hồi, tận dụng lại để rải đường hoặc dùng vào các mục đích khác, phải thu hồi các kim loại lẫn trong đó trước khi sử dụng.
Nói chung nhà máy công nghiệp nào cũng đều được yêu cầu phải làm như thế. Nhưng đối với nhà máy luyện kim thì công nghệ rất phức tạp và đòi hỏi rất tốn kém nên phải kiểm soát rất chặt.
Ở Formosa Hà Tĩnh thì người ta quan tâm đến xử lý nước. Sau khi đã thu hồi hóa chất, họ lấy nước tuần hoàn lại và tiếp tục xử lý cho đến khi đạt tiêu chuẩn mới cho phép thải ra ngoài. Hy vọng là họ thực hiện như họ tuyên bố.
Vấn đề là tại các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thì cơ quan nhà nước rất khó kiểm soát, họ có sự độc lập nhất định. Như Vedan, phải "rình mò" mãi mới biết được là nhà máy này có ống thải không qua xử lý cứ chảy trực tiếp ra sông Thị Vải, làm cá chết hàng loạt và cũng phải mất một thời gian rất dài mới lộ ra.
Vấn đề xử lý chất thải được xem xét như thế nào khi thu hút đầu tư, thưa ông?
Những nhà máy như thế muốn có giấy phép xây dựng thì bắt buộc phải trình ra được báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cơ quan quản lý về môi trường ở địa phương cho phép.
Nghĩa là anh phải giải trình được xây dựng nhà máy với những công nghệ như vậy thì sẽ thải ra môi trường những gì và được xử lý đến đâu? Với công nghệ, thiết bị của anh thì anh sẽ xử lý như thế nào? Số còn lại có được thải ra môi trường hay không?
Sau khi nhà máy đi vào vận hành, ai sẽ kiểm tra vấn đề xả thải?
Theo đại diện Formosa nói, họ kiểm ra nước thải thường xuyên nhưng chỉ kiểm tra trong nội bộ nhà máy mà thôi. Mỗi tháng họ báo cáo 1 lần cho các cơ quan môi trường, còn cơ quan môi trường thì 1 tháng lấy mẫu 1 lần để kiểm tra mà mẫu lại cũng do nhà máy cung cấp nên rất khó để nói đến tính chính xác.
Họ nói rằng họ kiểm tra nước thải hàng ngày nhưng chưa tương thích được với hệ thống theo dõi của của địa phương nên chưa kết nối được. Cho nên địa phương không biết được hoạt động xử lý thải hàng ngày vận hành ra sao và cũng không thể biết là chất thải đó ra ngoài môi trường có lúc nào vượt quá quy định hay không.
Họ cũng bảo rằng trong quá trình theo dõi, nếu lúc nào đó phát hiện thấy báo vượt ngưỡng cho phép là sẽ lập tức dừng vận hành, tiếp tục xử lý cho đến lúc nào đạt thì mới hoạt động trở lại. Họ nói như vậy nên cũng chỉ biết vậy mà thôi. Họ có làm ăn chân chính hay gian dối không thì cũng chịu, không biết được.
Về công nghệ của Formosa đang sử dụng thì như thế nào, thưa ông?
Cũng có người hỏi Formosa sử dụng công nghệ lạc hậu mà thế giới đã loại bỏ. Làm gì có chuyện đó! Công nghệ mà Formosa sử dụng cho đến bây giờ vẫn chiếm trên 80% sản lượng thép của cả thế giới. Đó không hề là công nghệ lạc hậu đâu, nó phục vụ 80% cho việc sản xuất ra hơn 1,6 tỷ tấn thép của thế giới đấy! Họ sử dụng lò cao tiên tiến của thế giới với quy mô rất lớn.
Vấn đề ở đây là họ có tôn trọng các quy trình xử lý chất thải hay không mới quan trọng.
Tôi chỉ nói thế này thôi: Nhà máy của Việt Nam do chính người Việt làm và quản lý - ngay cả là những doanh nghiệp Nhà nước, khi cạnh tranh với nhau thì cũng muốn làm thế nào để tiết kiệm điện nhất. Chẳng hạn như lọc bụi khí thì phải vận hành các thiết bị điện để vận hành các máy hút, qua các túi lọc...mới thải được khí đủ tiêu chuẩn ra ngoài.
Ban ngày mọi người đi qua thấy khói nhà máy màu trắng, sạch nhưng ban đêm thì họ tắt máy hút đi, cứ thể xả ra môi trường, chỉ để tiết kiệm điện, tiết kiệm giá thành để cạnh tranh dễ hơn.
Việc không kiểm soát được hoạt động xả thải của các nhà máy trong ngành công nghiệp nặng khiến chúng ta phải trả giá rất đắt, là bài học rất đau đớn. Nhất là với những dự án 100% vốn nước ngoài thì lại càng khó kiểm soát hơn. Do đó, thời gian tới, cần có những quy định giám sát chặt chẽ hơn với những dự án này, nhất là trong vấn đề xử lý rác thải.
- Xin cảm ơn ông!
Hiện tại ở Hà Tĩnh, nhất là Khu kinh tế Vũng Áng có rất nhiều dự án hoạt động, trong đó có cả những dự án trong ngành công nghiệp nặng, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, không riêng gì Formosa.
Hà Tĩnh trong những năm vừa qua thường tự hào là một trong những địa phương năng động nhất thu hút FDI. UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá, sự có mặt của dòng vốn FDI trên địa bàn góp phần quan trọng để tỉnh chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đặt nền móng cho sự phát triển mang tính đột phá và bền vững.
Năm 2015, Hà Tĩnh đứng thứ 7 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện nay đã có 68 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 16,5 tỷ USD.
Riêng trong Khu kinh tế Vũng Áng và huyện Kỳ Anh có những dự án có vốn đầu tư lớn như Khu liên hiệp thép – cảng Sơn Dương của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; Nhà máy sản xuất bột giấy của Liên doanh bột giấy Việt - Nhật Vũng Áng; Nhà máy tinh bột sắn của công ty cổ phần hữu hạn Vedan – Việt Nam...
Một số dự án của nhà đầu tư trong nước tại Vũng Áng là: Nhà máy phôi thép 500 nghìn tấn/năm của Công ty Cổ phần Sắt thép Hà Tĩnh; Nhà máy cán tôn và sản xuất vật liệu xây dựng của Công ty TNHH thương mại Đức Dũng; Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam Lilama...
Bích Diệp (thực hiện)
Nhận xét
Đăng nhận xét