Theo thông tin từ ban tổ chức, hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay (29/4) sẽ có khoảng 500 doanh nghiệp có mặt tại hội trường Thống Nhất (TPHCM), trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kiến nghị của doanh nghiệp đã được Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp để gửi lên Thủ tướng; trong đó, mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) vẫn là vốn, tín dụng.
Nguồn vốn ngân hàng đối với doanh nghiệp vẫn còn khó tiếp cận, do lãi suất cao, thủ tục rườm rà...
Khó vay vốn vì vướng tài sản thế chấp
Phản ánh với Thủ tướng, hội doanh nghiệp quận Hải An, thành phố Hải Phòng cho biết, hiện nay, đa số các doanh nghiệp, trong đó có những DNNVV, đều gặp khó khăn về tài chính.
Nếu như 76% số doanh nghiệp lớn vay được vốn được từ ngân hàng thì tỷ lệ này dành cho doanh nghiệp vừa là 72%, doanh nghiệp nhỏ là 60% và doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ là 38%. Trong khi đó, số doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 70% tổng số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực từ việc bắt buộc phải có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn lại phiền hà... Do vậy, DNNVV buộc tự cứu mình bằng cách tìm đến bạn bè, thị trường tín dụng chợ đen.
"Nếu như các doanh nghiệp lớn tìm cách xoay xở, vay được vốn từ thị trường “chợ đen” với mức 1% thì những doanh nghiệp nhỏ phải xoay xở từ thị trường tín dụng này ở mức 6% trên tổng số vốn đầu tư" - bản kiến nghị cho biết. Như vậy, rõ ràng các DNNVV đang thiếu vốn, trong khi việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng lại chậm và chưa đều khắp. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều đang phải tự thân vận động.
Cùng vấn đề này, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, mặc dù lãi suất vốn vay tín dụng ngân hàng đã được cải thiện song vẫn còn ở mức cao. Chi phí vay sẽ phản ánh vào giá nên DNNVV khó có thể cạnh tranh trên thị trường nếu không hạ giá sản phẩm. Bên cạnh đó, điều kiện vay vốn tín dụng của các đối tượng doanh nghiệp này cũng còn khó khăn vì không có tài sản thế chấp trong khi nhu cầu về vốn là cần kíp.
"Các cơ sở sản xuất kinh doanh thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng mặt bằng do mặc dù có năng lực tổ chức sản xuất và thị trường, nhưng không có tài sản thế chấp để vay vốn" - đây là thực tế mà Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang đưa ra trong bản tham luận. Do vậy, nhìn chung các doanh nghiệp đều kiến nghị nhà nước tạo điều kiện về mặt chính sách những đối tượng doanh nghiệp này có thể dễ dàng, thuận lợi hơn nữa trong tiếp cận nguồn vốn vay.
Doanh nghiệp "sống" phải cõng cả phần nợ doanh nghiệp "chết"
Hiệp hội DNNVV tỉnh Nam Định có kiến nghị, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam được vay ngoại tệ như các doanh nghiệp nước ngoài. Theo hiệp hội này, nếu không được vay ngoại tệ, các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài.
Các doanh nghiệp Nam Định cho rằng, ngân hàng nên nhận tiền gửi bằng ngoại tệ có lãi suất để huy động được vốn trong và ngoài nước, số ngoại tệ này được quay vòng cho các doanh nghiệp trong nước vay để tránh ngoại tệ chuyển ra nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp phải tìm đến nguồn tín dụng đen để giải quyết nhu cầu về vốn
Chia sẻ ở một khía cạnh khác, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho hay, ngày 23/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, trong đó cho phép khu vực tư nhân tiếp cận nguồn vốn này. Tuy nhiên, đến nay số doanh nghiệp tư nhân được vay ODA mới đếm trên đầu ngón tay.
Chưa kể, thủ tục để doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận nguồn vốn này vốn nan giải. Trong khi đó, với lãi suất thấp, thời hạn cho vay lâu dài, doanh nghiệp nhà nước khi được vay vốn ODA sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh quá lớn đối với doanh nghiệp tư nhân.
Các doanh nghiệp này cho rằng, vốn ODA khi “chảy” vào doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ vận động theo “tư duy nhiệm kỳ”, “cơ cấu khóa” dẫn đến tình trạng người đứng đầu thiếu trách nhiệm với đồng vốn, không phát huy hiệu quả, thậm chí gây thất thoát, trở thành gánh nặng cho nhà nước. Thực tế những năm qua cho thấy Việt Nam không thiếu những bài học từ việc cho vay vốn ODA.
Theo quan điểm của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, nếu doanh nghiệp tư nhân được ưu tiên vay vốn ODA, hiệu quả sử dụng sẽ cao hơn doanh nghiệp nhà nước vì: "Nếu doanh nghiệp tư nhân không chịu vận động để làm ăn sinh lãi thì sẽ dẫn đến phá sản, thậm chí bị xử lý theo pháp luật. Thế nên, chắc chắn họ phải năng động, sáng tạo, tìm cách vận động để sử dụng đồng vốn hiệu quả, chứ không dám để lãng phí vốn".
Trước thềm hội nghị, trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, chi phí vốn lớn vẫn là một "bài toán" với cộng đồng doanh nghiệp hiện tại, nhất là đối tượng những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Lãi suất cho vay mà các doanh nghiệp đang phải gánh gồm cả phần nợ xấu của các ngân hàng từ những doanh nghiệp không hiệu quả trước đó. Nếu tình hình này tiếp tục thì doanh nghiệp không có cách nào để đầu tư vào sản xuất được", ông Lộc cho biết.
Vị Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, không thể cứ để doanh nghiệp mới bắt đầu bước vào kinh doanh, nhất lại là các DNNVV phải cõng các khoản nợ của những doanh nghiệp đã chết, những doanh nghiệp kém hiệu quả hay những khoản đầu tư không chuẩn mực trong quá khứ của các ngân hàng thương mại. Do đó, theo ông Lộc "phải có cách để giải quyết dứt điểm nợ xấu chứ không thể dồn cục như vậy".
Bích Diệp
Nhận xét
Đăng nhận xét