Ngân hàng sẽ “siết” tín dụng bất động sản?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014, trong đó quy định các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, thay vì được 60% như hiện nay. Giới hạn đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng giảm rất mạnh, từ 200% xuống còn 80%. Tương tự, giới hạn đối với ngân hàng hợp tác xã giảm từ 60% xuống chỉ còn 40%. Dự thảo thông tư cũng xếp “Các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” vào “Nhóm tài sản có hệ số rủi ro 250%” thay vì hệ số 150% như hiện nay.
Giải trình về việc giảm trần sử dụng nguồn vốn ngắn hạn xuống còn 40%, NHNN cho rằng, làm như vậy là để đảm bảo phù hợp với định hướng hạn chế cấp tín dụng trung dài hạn, giảm rủi ro thanh khoản; giảm tập trung cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS). Về việc thay đổi hệ số rủi ro của “Các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” từ 150% lên 250%, NHNN cho rằng nhằm “phát đi tín hiệu” đối với thị trường và hệ thống ngân hàng nhằm kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực này.
Bất động sản sẽ gặp khó khi ngân hàng siết chặt tín dụng đối với lĩnh vực này?
NHNN khẳng định, việc thay đổi hệ số rủi ro của “khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản” không ảnh hưởng đến các chương trình, chính sách cho vay mua nhà ở Chính phủ và các Bộ ngành đang triển khai qua hệ thống ngân hàng cũng như các khoản cho vay cá nhân mua nhà trả góp, sửa nhà… của các ngân hàng, và không ảnh hưởng đến mục tiêu an sinh xã hội.
Doanh nghiệp BĐS lo “sốt vó”!
Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của NHNN theo hướng siết chặt tín dụng đã khiến các doanh nghiệp BĐS lo lắng, phản ứng.
Tổng Giám đốc một công ty BĐS chuyên về đất nền tại TPHCM cho rằng, tính đến nay, Thông tư 36 mặc dù chỉ mới triển khai thực hiện được 1 năm nhưng đã có tác động rất tích cực, góp phần giúp cho nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS phục hồi và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong năm 2015, giải quyết được nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và hỗ trợ tín dụng cho người tiêu dùng tạo lập nhà ở. Đồng thời, nó còn có vai trò tác động tích cực của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp BĐS.
“Việc siết chặt tín dụng từ 60% xuống 40% và tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 250% có thể sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng. Nó chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS và trên thực tế có thể sẽ tác động bất lợi đến người tiêu dùng; đặc biệt là người thu nhập thấp đô thị và cũng sẽ tác động đến các ngành, nghề có liên quan đến thị trường BĐS và công ăn, việc làm của người lao động”, vị giám đốc này nói.
Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), việc gia tăng tín dụng vào thị trường BĐS trong thời gian qua cũng là điều bình thường do thị trường BĐS mới vừa phục hồi từ cuối năm 2013 cho đến nay, sau một thời kỳ bị khủng hoảng đóng băng kéo dài. Bên cạnh nguồn cung tín dụng còn có nguồn kiều hối về TPHCM năm 2015 khoảng 5,5 tỷ USD, trong đó có khoảng 23% chuyển vào thị trường BĐS.
Người tiêu dùng cũng sẽ gặp bất lợi khi bị hạn chế vay mua bất động sản
HoREA cho rằng, thị trường nước ta đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Mà nguồn vốn huy động từ khách hàng phần lớn lại có nguồn gốc từ tín dụng ngân hàng. Thị trường vốn nước ta vẫn đang thiếu các nguồn vốn khác như các quỹ đầu tư, quỹ tín thác bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán...
Đặc biệt, hoạt động đầu tư phát triển, kinh doanh bất động sản là hoạt động có tính chất trung hạn, dài hạn nhưng trên thực tế chưa có cơ chế đầy đủ để tạo lập nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn. Mà ở nước ta, nếu được vay trung hạn, dài hạn thì lãi suất lại cao hơn lãi suất vay ngắn hạn, trong khi ở các nước khác thì ngược lại, lãi suất vay trung hạn, dài hạn thấp hơn lãi suất vay ngắn hạn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, không nên sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 của NHNN trong thời điểm hiện nay. Một trong những lý do không sửa đổi Thông tư 36 chính là chưa có nguy cơ xảy ra “bong bong” BĐS trong năm 2016 nếu Nhà nước có những biện pháp hiệu quả khi xuất hiện hiện tượng đầu cơ.
“Trong trường hợp NHNN có những thông tin xác định thị trường BĐS có yếu tố bất ổn thì việc siết chặt cho vay cũng dừng ở tỷ lệ tối đa 50% và giữ nguyên việc xếp các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150%”, ông Châu nói.
Công Quang
Nhận xét
Đăng nhận xét